Cuộc đời Đỗ_Phủ

Những năm đầu tiên

Thi Thánh Đỗ Phủ.

Đỗ Phủ sinh năm 712, không biết rõ nơi sinh, chỉ biết đại khái là ở gần Lạc Dương, tỉnh Hà Nam (huyện Củng cũng có thể là nơi sinh của ông). Sau này ông tự coi mình là người kinh đô Trường An. Đỗ Phủ xuất thân trong một gia đình quý tộc, tự cho là dòng dõi vua Nghiêu đã sa sút. Cha ông tên Đỗ Nhàn (杜閒), mẹ là Thôi thị xuất thân từ gia tộc danh giá Thanh Hà Thôi thị (清河崔氏). Mẹ Đỗ Phủ mất sớm sau khi sinh ông, và được người thím nuôi một thời gian. Anh trai ông cũng mất sớm, riêng có ba em trai và một em gái khác mẹ, thường được nhắc đến trong thơ.

Vì là con trai của một học giả, quan lại bậc thấp, thời trẻ ông được tiếp thu nền giáo dục của Trung Quốc truyền thống để lúc trưởng thành có thể ra làm quan: học thuộc lòng các tác phẩm triết học kinh điển Khổng giáo, lịch sử và thi ca. Sau này ông cho rằng mình đã sáng tác một số bài thơ hay ngay từ khi tuổi còn trẻ, nhưng không lưu giữ lại.

Đầu những năm 730 ông đi tới vùng Giang Tô, Triết Giang; những bài thơ đầu tiên của ông, miêu tả một cuộc thi thơ, được cho là đã sáng tác ở cuối thời kỳ này, khoảng năm 735.

Cùng năm ấy ông đi tới Trường An để dự thi nhưng bất ngờ bị đánh hỏng, việc này đã gây ra chỉ trích trong nhiều thế kỷ tiếp sau. Có lẽ ông đã trượt bởi vì cách hành văn thời ấy quá rắc rối và tối nghĩa, nhưng có ý kiến khác lại cho rằng ông trượt vì đã không tìm kiếm được các mối quan hệ ở kinh đô. Sau kì thi này ông tiếp tục đi du lịch quanh vùng Sơn ĐôngHà Bắc.

Khoảng năm 740, cha của Đỗ Phủ qua đời. Theo cấp bậc của cha, Đỗ Phủ có thể được phép nhận một chức quan dân sự, nhưng ông đã dành ưu đãi này cho một người em khác mẹ. Bốn năm sau đó ông sống ở vùng Lạc Dương, thực hiện các bổn phận gia đình.

Mùa thu năm 744 ông gặp Lý Bạch lần đầu tiên, và giữa hai nhà thơ đã nảy sinh một tình bạn vong niên: Đỗ Phủ còn trẻ tuổi, trong khi Lý Bạch đã nổi tiếng trên văn đàn. Hai ông đã viết nhiều bài thơ về nhau. Họ chỉ gặp lại nhau một lần nữa năm 745.

Năm 746 Đỗ Phủ tới kinh đô để tìm kiếm một chức quan. Ông tham gia vào cuộc thi năm sau đó, nhưng tất cả thí sinh đều bị vị tể tướng đánh trượt (để chứng tỏ mình đã sáng suốt sử dụng hết người tài và ngăn chặn sự trỗi dậy của bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào). Từ đó ông không bao giờ đi thi nữa, chỉ thỉnh cầu trực tiếp hoàng đế năm 751, 754 và có lẽ cả năm 755.

Cuối cùng, vào năm 755 ông được chỉ định làm quan coi kho vũ khí. Dù đây chỉ là một chức nhỏ, ít nhất trong thời bình nó cũng là một bước khởi đầu cho hoạn lộ của ông. Tuy nhiên, trước khi ông có thể nhậm chức, một loạt các sự kiện xảy ra đã khiến nó không bao giờ còn được thực hiện.

Chiến tranh

Sự Biến An Lộc Sơn xảy ra vào tháng 12, 755 và chỉ tan rã hoàn toàn sau tám năm. Nó tàn phá xã hội Trung Quốc: năm 754 nước này có 52.9 triệu người, nhưng tới năm 764 chỉ còn lại 16.9 triệu, số còn lại đã bị giết hoặc bị dời đi. Trong thời gian này, Đỗ Phủ trải qua một cuộc sống trôi nổi, không thể định cư lâu dài ở đâu vì chiến tranh, cũng như nạn đói và sự bạc đãi của triều đình. Tuy nhiên, thời gian không hạnh phúc này khiến Đỗ Phủ trở thành một nhà thơ đồng cảm với những đau khổ, bất hạnh của người dân thường. Thực tế xung quanh, cuộc sống của gia đình ông, những người hàng xóm, những người qua đường– những điều ông nghe thấy và những gì ông hy vọng hay sợ hãi về tương lai– đã trở thành chủ đề chính trong những sáng tác của ông.

Năm 756 Huyền Tông buộc phải thoái vị, bỏ kinh đô tháo chạy. Đỗ Phủ, khi ấy đã rời kinh đô, đưa gia đình tới nơi lánh nạn và tìm đường đi theo triều đình mới của Túc Tông, nhưng trên đường đi ông bị quân nổi loạn bắt đưa về Trường An. Vào mùa thu, con trai út của ông ra đời. Mọi người cho rằng trong khoảng thời gian này Đỗ Phủ đã bị bệnh sốt rét.

Năm sau ông bỏ trốn khỏi Trường An, và được cho giữ chức Tả thập di trong triều đình mới tháng 5 năm 757. Chức vụ này khiến ông có cơ hội gặp gỡ Hoàng đế, nhưng chỉ mang tính nghi lễ. Đỗ Phủ nhanh chóng gặp rắc rối khi ông lợi dụng cơ hội này để dâng thư can gián việc loại bỏ Phòng Quán người bạn và là người bảo trợ của ông chỉ vì một lỗi nhỏ: sau đó tới lượt chính ông bị giam nhưng tới tháng 6 được thả ra. Tháng 9 năm ấy ông được cho phép về gặp gia đình, nhưng nhanh chóng quay lại triều ngày 8 tháng 12, 757. Ông cùng triều đình quay lại Trường An sau khi quân triều đình tái chiếm nó. Tuy nhiên, những lời can gián của ông không hợp với hoàng đế và vào mùa hè năm 758 ông bị giáng cấp làm Tư công tham quân ở Hoa Châu. Chức vụ này làm ông chán ngán: trong một bài thơ, ông đã viết:

Thúc đới phát cuồng dục đại khiếu,Bạ thư hà cấp lai tương nhưng.Xốc đai, điên những muốn gào:Giấy tờ đâu cứ ào ào chạy vô?

Mùa hè năm 759 ông lại ra đi; lý do của lần này thường được cho là vì nạn đói nhưng cũng có ý cho rằng ông ra đi vì vỡ mộng. Năm sau đó ông sống sáu tuần tại Tần Châu (hiện nay là Thiên Thuỷ, tỉnh Cam Túc), ở đây ông đã sáng tác sáu mươi bài thơ.

Thành Đô

Năm 760 ông tới Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), nơi ông sẽ sống trong năm năm tiếp theo. Tới mùa thu năm đó ông rơi vào cảnh túng quẫn phải gửi thơ tới những người quen biết để cầu xin giúp đỡ. Ông được Nghiêm Vũ, một người bạn và là đồng môn đang làm tổng trấn ở Thành Đô giúp đỡ. Dù vậy đây vẫn là một trong những giai đoạn thanh bình và hạnh phúc nhất của ông, và nhiều bài thơ sáng tác trong thời kỳ này miêu tả lại cuộc sống thanh bình trong "thảo đường" ở đó. Năm 762 ông rời thành phố này để tránh một cuộc bạo loạn, chỉ quay lại vào mùa hè năm 764 và được chỉ định làm Kiểm hiệu công bộ viên ngoại lang, tham gia vào chiến dịch chống lại người Tạng.

Những năm sau này

Quân đội triều đình tái chiếm Lạc Dương, nơi sinh Đỗ Phủ, vào mùa đông năm 762, và vào mùa xuân năm 765 Đỗ Phủ cùng gia đình đi thuyền xuôi sông Dương Tử, với ý định quay về Lạc Dương. Chuyến đi rất chậm, vì tình trạng sức khỏe kém của ông (lúc ấy ông mắc thêm bệnh mắt, điếc và nói chung đã ở tuổi già lại thêm những lo lắng phiền não). Họ dừng lại ở Quỳ Châu (hiện nay là Bạch Đế, Trùng Khánh) trong hai năm cho tới tận cuối mùa đông năm 766. Đây là giai đoạn phát triển rực rỡ cuối cùng của thơ Đỗ Phủ, và cũng chính ở đây ông đã sáng tác 437 bài thơ đa phần là thơ luật. Mùa thu năm 766 Bo Maolin trở thành tổng trấn trong vùng: ông giúp đỡ tài chính và trao cho Đỗ Phủ một chức quan thư ký không chính thức.

Ông lập gia đình từ khoảng năm 752, và tới năm 757 họ đã có năm con (ba trai hai gái) nhưng một cậu con trai ông đã chết khi còn thơ ấu năm 755.

Từ năm 754 ông bắt đầu bị bệnh phổi (có lẽ là hen suyễn). Tháng 3 năm 768 ông lại bắt đầu chuyến hành trình tới tỉnh Hồ Nam. Ông mất tại Đàm Châu 潭州 (nay là Trường Sa) vào tháng 11 hay tháng 12 năm 770, ở tuổi 59, trên một chiếc thuyền rách nát…Vợ và hai con trai ông vẫn ở tại đó thêm ít nhất hai năm nữa. Cuối cùng dòng dõi còn được biết của ông là một cháu trai, người đã đề nghị Nguyên Chẩn viết bài minh trên mộ ông vào năm 813.